Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Đàn Kiến Và Cơn Bão - Thầy Pháp Nhật


Hạt từ, bi, hỷ, xã
Đất tâm con gieo vào
Cho tình thương lớn rộng
Bao la như trời cao.

             “Xung quanh ta có rất nhiều điều lí thú, chỉ cần để tâm tới một chút thì ta sẽ học hỏi được rất nhiều”  đây là những gì ba tôi thường nói với tôi khi tôi hãy còn là một chú bé thích tắm mưa. Bạn có từng quan sát diễn biến của một cơn mưa bão không? Trước khi cơn mưa bão bắt đầu, bầu trời sẽ kéo mây đen. Không khí cũng bắt đầu đổi dần, từ ấm chuyển sang lạnh hơn và đôi khi có sấm chớp kèm theo. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, những cơn mưa bão như vậy sẽ được đài khí tượng báo tương đối chính xác trước vài ngày. Còn một loại đài khí tượng sinh học khác cũng dự báo chính xác không kém. Đài khí tượng sinh học mà tôi nói đến là những chú kiến. Khi còn nhỏ mẹ tôi hay nói với tôi “có thể chiều nay mưa, con canh để lấy đồ phơi ở đằng sau vào” và thường là những dự đoán của mẹ tôi đều đúng mặc dù sáng đó trời khá nắng và cũng ít mây đen. Điều đó đã làm tôi ngạc nhiên rất nhiều. Một hôm tôi mạnh dạn hỏi mẹ tôi “làm sao me có thể biết trước là trời sẽ mưa”. Mẹ tôi mỉm cười và trả lời tôi “đâu có khó gì đâu, chỉ nhìn những chú kiến đang dời tổ hàng đàng như vậy thì me biết thôi”. “À thì ra là vậy” tôi thốt lên. Muốn biết trời có mưa hay không thì chỉ nhìn những đàn kiến dời tổ. Kiến là một loại động vật rất kỵ nước, không biết có phải vì vậy không mà ông trời đã cho những chú kiến nhỏ bé đó khả năng có thể biết trước được thời tiết. Giả sử như những chú kiến không có khả năng này, thì quả thật là đáng thương khi có một cơn mưa ập đến và thiệt hại cho đàn kiến sẽ rất nặng nề. Điều này bạn có thể tưởng tượng được.

Nãy giờ tôi đang đề cập đến cơn bão của đất trời, còn một cơn bão khác tôi muốn nói đến đó là cơn giận của chúng ta. Cơn giận của ta cũng giống như một cơn bão, nếu chúng ta không đề phòng, không chuẩn bị trước để đối phó thì nó cũng sẽ gây nhiều thiệt hại nặng nề. Những thiệt hại mà nó gây ra là sự đổ vỡ trong các mối quan hệ của chúng ta, rạn nức tình cảm giữa vợ hoặc chồng, không khí ngột ngạt, khó thở trong gia đình… Và nhiều thiệt hại khác nữa. Đàn kiến có khả năng dự báo được cơn bão sắp xảy ra, vậy thì chúng ta có cách nào để biết cơn giận của mình sắp nổ ra không? Có cách nào chúng ta chuyển hóa được cơn giận của mình không. Và tôi muốn chia sẻ cho bạn tin vui là chúng ta có cách.


Có một cách để trút bỏ cơn giận mà nhiều người vẫn thường hay áp dụng đó là đập gối, hay còn gọi là “xã nút van”. Giống như một cái bánh xe bị bơm hơi căng quá, có nguy cơ nổ, nên chúng ta mở nút van ra cho hơi thoát bớt. Thì cũng vậy những người này vào phòng, đóng kín cửa lại rồi “xã nút van” bằng cách ném đồ đạt trong phòng, hay đánh túi bụi vào gối. Cố nhiên tôi sẽ không khuyên bạn sử dụng cách này, vì có thể cơn giận của bạn giảm bớt ngay lúc đó, nhưng lần sau nó sẽ mạnh lên gấp bội. Vì sao? Trong trường hợp này bạn hãy tưởng tượng cơn giận như là một cái cây đang đòi nước, hành động ném đồ hay đập gối cũng giống như là nước mình tưới vào cái cây giận. Cây đã được hút nước nên không có nhu cầu thêm nữa. Bạn cảm thấy cơn giận mình dịu bớt. Nhưng sau đợt hút nước này nó sẽ lớn lên hơn. Và cố nhiên lần sau nó cũng sẽ đòi một lượng nước nhiều hơn. Điều này cũng có nghĩa là bạn đang nuôi cơn giận của bạn.

Cách mà tôi muốn đề nghị bạn là hãy nhận diện cơn giận, quan sát diễn biến cơn giận và chuyển hóa chúng bằng năng lượng của chánh niệm, năng lượng của thương yêu. Nhận diện và chuyển hóa cơn giận phụ thuộc vào khả năng và thời gian thực tập của bạn.



Tất cả mọi cảm thọ
Như thương, ghét, buồn, vui …
Điều vô thường chuyển biến
Và từ tâm biểu hiện.

Trong đạo Bụt có nói đến ba loại cảm thọ. Cảm thọ là gì? Cảm thọ là những cảm giác, trạng thái mà khi chúng ta tiếp xúc với ngoại cảnh nó được phát sinh ra. Ba loại cảm thọ đó là lạc thọ, khổ thọ và xã thọ. Lạc thọ là những cảm giác dễ chịu khi ta tiếp xúc với những hoàn cảnh thuận lợi, hợp với những gì mình mong muốn. khổ thọ là những cảm giác khó chịu, khổ đau được sinh ra khi ta tiếp xúc với những hoàn cảnh bất như ý. Xã thọ là cảm giác trung hòa, không dễ chịu cũng không khó chịu. Ba loại cảm thọ này điều vô thường và chuyển biến. Chúng luôn thay đổi và chuyển biến cho nhau. Lúc này bạn cảm thấy vui, nhưng lát nữa bạn cảm thấy buồn, hoặc không vui cũng không buồn. Nếu bạn thường xuyên quan sát tâm mình thì bạn sẽ nhận ra điều này. Và tất cả những loại cảm thọ này điều từ tâm mà biểu hiện. Vì chúng từ tâm mà biểu hiện, nên cũng từ tâm mà mình nhận biết chúng, quan sát và chuyển hóa.

Trong duy thức học phật giáo, Giận là một trong 51 tâm sở pháp. Tâm sở pháp là những hiện tượng tâm lí ở phương diện thuộc tính của tâm vương hay tám thức. Tâm sở pháp được chia làm 6 nhóm. Biến Hành, Biệt Cảnh, Thiện, Phiền Não, Tùy Phiền Não và Bất Định. Giận thuộc trong nhóm Phiền Não với tên gọi là Sân. Sân có nghĩa là gặp điều không vừa ý thì oán giận.

 Chúng ta muốn nhận diện cơn giận để chuyển hóa thì trước hết chúng ta phải tập nhận diện những hành động của cơ thể. Khi chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi… Chúng ta phải ý thức được những động tác và tư thế đó. Đó là bước đầu để chúng ta thực tập nhận diện tâm hành của mình, mà trong trường hợp này là tâm hành giận. Vì sao ta phải thực tập như vậy? Bởi vì so với những động tác của thân thì những hoạt động của tâm hành vi tế hơn nhiều. Nếu như chúng ta không có khả năng nhận diện được những hoạt động của thân thì cũng thật khó để thấy được diễn biến của tâm. Để thấy được “cơn bão giận” đang bắt đầu lớn dần và kịp thời chuyển hóa chúng trước khi chúng được biểu hiện qua lời nói, và hành động.

Phép thực tập đầu tiên là theo dõi hơi thở. Khi thở vào bạn biết bạn đang thở vào, khi thở ra bạn biết bạn đang thở ra. Thực tập theo dõi hơi thở như vậy sẽ nuôi lớn ý thức chánh niệm trong ta, giúp cho ta có được sự định tĩnh trước những hoàn cảnh bất như ý. Ý thức sự vào ra của hơi thở cũng là một pháp thực tập rất phổ biến trong Đạo Bụt, và được trình bày rất rõ trong kinh An Ban Thủ Ý. Bạn có thể thực tập theo dõi sự vào ra của hơi thở mọi lúc, mọi nơi mỗi khi bạn nhớ đến. Nhưng bạn phải lưu ý phần này, chúng ta ý thức sự vào ra của hơi thở chứ chúng ta không bắt hơi thở vào ra theo ý muốn của chúng ta. Điều này có nghĩa là, hơi thở đi vào nếu như dài bạn nhận biết hơi thở đi vào dài. Hơi thở đi ra nếu như ngắn bạn nhận biết hơi thở đi ra ngắn. Chỉ nhận biết đơn thuần. Tôi biết có một số người khi thực tập theo dõi hơi thở, chưa nắm vững được kĩ thuật nên đã cố ép hơi thở đi theo ý mình, và sau một thời gian thực tập như vậy cảm thấy tức ngực,  khó thở.

Nhờ nuôi lớn chánh niệm bằng sự thực tập theo dõi hơi thở, nên việc ý thức về những động tác của thân như đi, đứng, làm việc cũng dễ hơn. Kết quả đầu tiên của sự thực tập này là bạn cảm thấy động tác của mình chậm rãi và khoan thai hơn. Cơ thể của mình được buông thư nhiều hơn.

Phép thực tập thứ hai là thiền hành. Thiền hành là phép thực tập thiền trong khi mình đang đi. Khi mình đi thiền điều đầu tiên là mình buông bỏ hết những lo toan, tính toán trong đời sống thường nhật. Mình buông bỏ hết những giận hờn, lo lắng mà mình đang mắc phải. Bạn chỉ thưởng thức mỗi bước chân bạn đi thôi. Khi bạn bước chân trái, bạn ý thức rằng bạn đang bước chân trái, khi bạn bước chân phải bạn ý thức rằng bạn đang bước chân phải. Khi lòng bàn chân trái tiếp xúc với mặt đất, bạn ý thức lòng bàn chân trái đang tiếp xúc với mặt đất. Khi lòng bàn chân phải đang tiếp xúc với mặt đất, bạn ý thức lòng bàn chân phải đang tiếp xúc với mặt đất. Bạn thực tập như vậy. Nếu bạn muốn cho sự thực tập của mình sâu hơn, bạn có thể kết hợp bước chân với hơi thở. Khi thở vào bạn bước ba bước, khi thở ra bạn bước bốn bước. Thông thường thì hơi thở vào ngắn hơn hơi thở ra, nên mỗi bước chân bạn kết hợp với hơi thở ra sẽ nhiều hơn hơi thở đi vào. Sự thực tập này bạn cần phải linh động, có nghĩa là bạn phải dựa vào hơi thở của chính mình để kết hợp với số bước chân cho phù hợp. Không nhất thiết phải thở vào bước ba bước, thở ra bước bốn bước, mà có thể là khi thở vào bạn bước hai bước, thở ra bạn bước ba bước nếu như hơi thở bạn ngắn. Bạn có thể tham khảo thêm sách Thiền Hành Yếu Chỉ, trong sách này Sư Ông Làng Mai hướng dẫn rất kỹ.

Khi mới bắt đầu thực tập thiền đi bạn thấy mình cần phải buông bỏ những lo lắng, phiền muộn… Nhưng sau khi thực tập một thời gian, bạn sẽ thấy ngược lại là nhờ đi thiền mà những lo lắng, phiền muộn tự nó được giải phóng; Bấy giờ chỉ có niềm vui và an lạc với mỗi bước chân.

Sau khi việc nhận diện những động tác của thân thể tương đối dễ đối với bạn. Bạn chuyển sang bước thứ hai là nhận diện tâm hành, mà cụ thể ở đây là cơn giận của bạn. Bạn sẽ thấy sự hình thành, phát triển và biến mất của cơn giận rất rõ ràng. Tôi sẽ xin nghi lại một số kinh nghiệm của bản thân tôi để bạn có thể tham khảo. Tôi tạm chia quá trình nhận diện cơn giận làm năm giai đoạn trong sự thực tập.

1)      Khi bạn nói và hành động rồi bạn mới ý thức được cơn giận của mình
2)      Bạn ý thức được cơn giận đang điều khiển những gì bạn nói hay làm nhưng bạn không có đủ khả năng để cưỡng lại.
3)      Bạn ý thức được cơn giận đang phát khởi, và bạn đã không nói hoặc làm những gì có thể tạo nên sự đổ vỡ.
4)      Bạn thấy được cơn giận khi nó chỉ là một làn sóng nhẹ đang chuẩn bị lớn lên trong tâm thức bạn và bạn đã kịp thời chuyển hóa chúng.
5)      Giai đoạn thứ năm là bạn thấy được gốc rễ của cơn giận, bạn thấy được những nguyên nhân hình thành cơn giận và sự tha thứ, thương yêu có mặt trong bạn.


Bạn có thể dựa vào năm giai đoạn này mà có cách đối trị với cơn giận cho thích hợp với hoàn cảnh riêng của mình. Nếu bạn đã bắt đầu thực tập rồi thì hiển nhiên bạn đang ở ngay giai đoạn thứ hai. Vậy khi bạn lâm vào tình trạng như vậy bạn phải làm gì? Muốn tránh sự đổ vỡ các mối liên hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội thì điều trước tiên, trong khi giận không nên làm gì hết, mà áp dụng ngay phương pháp thở hoặc đi thiền hành.

Giai đoạn thứ tư là giai đoạn của những chú kiến tránh bảo, nếu thực tập tới giai đoạn này thì thực tuyệt. Bạn sẽ trở thành một con người tươi mát và đem lại rất nhiều niềm vui cho những người xung quanh.

Giai đoạn thứ năm tương đối xuất hiện cùng một lúc với giai đoạn thứ tư. Bạn thấy được người làm bạn giận cũng có những khó khăn, khổ đau. Và trong tận đáy lòng họ cũng không muốn làm như thế. Bạn thấy được những nguyên nhân làm cho bạn giận của người kia, là do người đó sống trong một môi trường thiếu may mắn, mà những hạt giống của tập khí thường xuyên được tưới tẩm... Trong lòng bạn xuất hiện một sự cảm thông sâu sắc. Từ việc giận bạn bắt đầu chuyển sang thương yêu và tha thứ. Tấm lòng bạn cũng dần rộng mở. Bạn mong muốn cho người làm bạn đau khổ có một cơ hội để họ chuyển hóa. Bạn thấy họ cũng thật đáng thương, những điều mà trước đây bạn chưa hề nghĩ tới.

Những chú kiến được bảo vệ an toàn nhờ chúng biết trước được cơn bão sẽ xảy ra. Chúng ta cũng sẽ được bảo vệ an toàn khỏi cơn giận nếu như chúng ta có sự hành trì, có sự thương yêu, tha thứ và bao dung. Rồi bằng sự thực tập của chính mình, bằng sự chuyển hóa của bản thân, chúng ta cũng sẽ chuyển hóa được những người làm ta giận và những người giận ta. Thương yêu và tha thứ cũng là một cách thực tập rất mầu nhiệm của Đạo Bụt.

Ai cũng có lỗi lầm
Vấp ngã rồi đứng lên
Con thực tập tha thứ
Cho con và cho người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét