Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Ý NGHĨA AN CƯ - H.T Thích Thanh Từ


Trong đạo mỗi năm đều có ba tháng an cư dành cho Tăng Ni, kể từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Lý ra ngày an cư tôi có mặt để làm lễ cho quý vị, nhưng vì tôi không có mặt ngay ngày đó, nên hôm nay Trụ trì Thường Chiếu cũng như tất cả Tăng Ni thỉnh tôi nhắc nhở việc tu hành cho quý vị nhân mùa an cư này.
Mùa an cư năm nay Tăng Ni rất đông đảo. Quý vị ở nội viện cũng như ngoại viện Thiền viện Thường Chiếu đều ứng dụng đúng như lời Phật dạy tổ chức ba tháng kiết hạ an cư.

Trước tôi nói ý nghĩa an cư kiết hạ, sau sẽ nhắc thêm những điều cần thiết. Ai cũng biết tháng tư là đầu mùa mưa ở Việt Nam, ở Ấn Độ tháng này mưa nhiều. Hồi xưa thời đức Phật còn tại thế, bình thường chư Tăng Ni đi giáo hóa nơi này nơi nọ, ít ở một chỗ cùng nương nhờ chư Thượng tọa, Đại đức có giới hạnh cao thâm nhắc nhở chỉ dạy tu hành. Đến mùa mưa nước nổi các loài trùng kiến bò ra đường rất nhiều. Chư Tăng, chư Ni đi nay, đi kia sẽ giẫm đạp chúng. Đức Phật vì lòng từ bi chẳng những thương người mà còn thương tất cả các loài trùng kiến nhỏ bé nữa, nên không đành giẫm đạp lên chúng trong mùa nước nổi. Vì vậy, Phật chế ra ba tháng an cư ở yên một chỗ để tránh sát hại côn trùng.


Như vậy, ba tháng an cư là để cho Tăng Ni không giẫm đạp các loài trùng kiến phạm tội sát sanh, nói lên lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Kế đến, nhân mùa an cư, Tăng Ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành. Nhờ những bậc có kinh nghiệm trên bước đường tu hành đi trước, chỉ dạy lại cho người sau. Do đó, trong đại chúng ai cũng có đủ duyên tu tiến, không trở ngại, không lùi bước.
Tóm lại, mùa an cư có hai ý nghĩa: thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho Tăng Ni. Nhờ các vị đạo cao đức trọng chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư Tăng, chư Ni tu hành được tinh tấn và kết quả tốt. Do đó ngày xưa có những vị Tỳ-kheo qua ba tháng an cư chứng một quả vị. Nếu tu gần tiến lên một quả vị, nhưng tới mãn ngày an cư, các ngài xin Phật cho ở lại tu thêm để đạt được đạo quả như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, v.v... Như vậy, mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được. Đó là điểm chính yếu mà tất cả Tăng Ni ngày nay phải nhớ.
Hiện giờ đất nước chúng ta đường sá rộng lớn, xe cộ đi lại không phải giẫm đạp trùng kiến như ngày xưa, nhưng thể theo lời đức Phật dạy chúng ta cũng kiết hạ an cư. Thời này mình không thể hiện lòng từ bi như thời đức Phật, chỉ có cùng nhau chung ở một điểm, một khu vực để rồi cố gắng tinh tấn tu hành. Nương nhờ các vị lớn tu trước, hiểu đạo hơn, hướng dẫn chỉ dạy chúng ta cố gắng tu cho có kết quả tốt. Như vậy, trọng tâm an cư ngày nay đặt vấn đề tu học nhiều hơn vấn đề sợ trùng kiến chết. Cho nên ba tháng an cư rất quý báu.
Một năm mười hai tháng chúng ta bận rộn nhiều vấn đề, như giao tiếp Phật tử, hoặc vì những nhân duyên khác mà quý vị đi đây đi kia, không ở một chỗ nỗ lực tu. Đến mùa an cư mọi việc đều gác qua, dồn hết tâm lực cho việc tu học thôi, mong rằng tất cả quý vị phải cố gắng đem hết tâm lực mình tu và học cho được kết quả tốt.
Tuy ba tháng không dài nhưng với ý chí mãnh liệt, với nhiệt tình không bờ bến, chúng ta cũng có thể thực hiện được phần nào kết quả trên đường tu. Đã là tu sĩ Phật giáo, hoặc Tăng, hoặc Ni, không thể nào học theo những việc của người thế tục. Chúng ta không phải là nhà kinh tế, nhà kiến thiết, nhà ngoại giao, hay học giả… mà là hành giả. Tại sao tôi nói như vậy? Vì trên đường tu, khi nói tới nỗ lực, tới sự cố gắng tu hành là muốn nói đến việc giải thoát sinh tử của mình. Chúng ta tu là để giác ngộ được tất cả lẽ thật của con người và của muôn pháp. Do đó, ta đặt nặng việc tu cho có kết quả.
Người tu không thể có khả năng giỏi làm ra tiền bạc, mà dồn tâm lực vào việc tu hành. Cho nên, thời gian của chúng ta không thể dồn vào các chuyện khác. Người tu sống chân thật, ôn hòa, không phải là người giỏi giao thiệp. Người giỏi giao thiệp với thế gian thấy như được nhiều lợi lộc, nhưng đó là tư cách của một nhà ngoại giao, không phải của người tu.
Tăng Ni phải làm sao trong đời mình giác ngộ được chân lý, giải thoát được sinh tử, chớ không phải làm cho được lòng mọi người. Nếu người tu cứ chiều chuộng để mọi người được vui, được vừa lòng, đó là vô tình chúng ta trở thành một nhà ngoại giao, không phải là một nhà tu. Chúng ta học đạo để hiểu, hiểu để tu, chớ không phải là học giả được cấp bằng cao, chức phận này chức phận nọ. Nếu vì cấp bằng, vì chức phận mà học, đó là học giả chớ không phải nhà tu.
Lời Phật dạy rất đúng đắn, đó là chân lý, mà có khi người học đạo còn cạn hẹp nên không hiểu. Vì vậy, phải được những bậc đi trước, những bậc thầy hướng dẫn chỉ dạy để hiểu, hiểu rồi ứng dụng tu, chớ không chạy theo cấp bằng học vị, lấy làm thỏa mãn. Điều này hết sức quan trọng. Như vậy, một nhà tu phải tu như thế nào, phải làm những gì, hôm nay tôi sẽ nhắc cho tất cả Tăng Ni nhớ.
Chúng ta tu cần nhất và đơn giản nhất là phải đủ hai mặt, từ bi và trí tuệ. Từ bi nên thương tất cả chúng sinh, thương tất cả mọi người, mọi loài. Đem tình thương phân bủa, giúp đỡ, che chở cho chúng sinh. Lòng từ bi chưa đủ mà phải có trí tuệ sáng suốt, thấy rõ chân lý, đạt được lẽ thực, để đem chân lý đó chỉ bảo cho mọi người cùng thấy cùng ngộ như mình. Bởi vậy, trí tuệ và từ bi không tách rời nhau.
Người thường cứ nghĩ từ bi trước rồi sau mới có trí tuệ, nhưng thực sự trí tuệ phải có trước rồi mới đến từ bi. Bởi vì, thấy được lẽ thực, biết được chân lý khiến cho chúng ta thoát khỏi những khổ đau do vô minh mê lầm. Khi chúng ta thấy được lẽ thực rồi, nhìn lại huynh đệ, bạn bè vẫn còn ở trong u tối, mình không đành lòng để họ phải khổ, nên đem hết những điều thấy biết của mình nhắc nhở bạn bè, thân quyến, tất cả mọi người cùng thấy, cùng hiểu để họ bớt khổ. Đó là lòng từ bi.
Trí tuệ và từ bi là hai điều then chốt của người tu hành. Cho nên, khi nói tới quy y Phật là nói quy y với bậc Lưỡng túc tôn. Lưỡng túc là đủ hai việc, phước túc và tuệ túc. Phước đầy đủ, tuệ đầy đủ, đó là Phật. Chúng ta luôn luôn cung kính, tôn trọng đức Phật vì Ngài đầy đủ trí tuệ và từ bi. Chúng ta tu theo Phật thì phải làm sao? Cũng phải đầy đủ hai phần này, bởi vậy có câu: “Phước tuệ lưỡng toàn phương tắc Phật”. Phước là từ bi, tuệ là trí tuệ, cả hai đều hoàn toàn mới tiến tới Phật quả được. Người tu mà thiếu phước, thiếu tuệ thì không bao giờ thành Phật.
Trên đường tu, tuy Phật dạy rất nhiều pháp môn nhưng thực sự căn bản là đủ phước và đủ tuệ. Nếu thiếu hai phần này thì không xứng đáng là người tu. Ở đâu Tăng Ni tụ hội lại mà còn có những chuyện cãi vã, giành giật, đó là thiếu lòng từ bi. Vì thiếu lòng từ bi nên không thương nhau, không tha thứ cho nhau, không hướng dẫn dạy bảo nhau, cho nên mới sanh ra cãi vã, giành giật, không xứng đáng tư cách một người tu.
Tu là phải học, phải mở mang trí tuệ, cố gắng thiền định cho trí tuệ phát sáng, như vậy mới đầy đủ tư cách một nhà tu. Điều này rất thiết yếu đối với tất cả Tăng Ni. Có thể nói rằng, chúng ta tu được là được tất cả, chúng ta tu không được là mất tất cả. Được tất cả là được những gì? Mục đích chúng ta tu là trên đền đáp tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân Phật Tổ, ân quốc gia, ân thí chủ; dưới cứu giúp ba đường khổ. Nếu tu được chúng ta mới có thể đền đáp bốn ân, cứu giúp ba đường khổ, đó là được tất cả. Ngược lại, nếu tu không được thì mất tất cả, vì không đền đáp được tứ trọng ân, không cứu giúp ba đường khổ, như vậy là mất tất cả.
Quý vị ở nội viện cũng như ngoại viện, đã an cư thì cố gắng tu cho đúng ý nghĩa an cư. Đây là trọng tâm, là tạo duyên lành thuận lợi cho tất cả Tăng Ni cùng tu. Nếu duyên thuận mà tu không được, gặp nghịch duyên làm sao chúng ta tu? Cho nên người tu phải luôn luôn nhớ tới tứ trọng ân, vì đền đáp trọng ân nên chúng ta phải nỗ lực, phải cố gắng tu hành xứng đáng.
Tứ trọng ân là gì? Đó là ân cha mẹ. Nếu chúng ta tu được là đền đáp được ân đức của cha mẹ. Phật dạy một người con tu hành đắc đạo thì cha mẹ được sanh thiên. Đức Thế Tôn sau khi thành đạo, thì thân mẫu và phụ vương của Ngài cũng đều được đầy đủ công đức sanh lên cõi trời. Đó là đức Phật đã đền ân cha mẹ.
Người con Phật chẳng phải đợi khi cha mẹ chết rồi mới đền ân, mà chính khi cha mẹ còn hiện tiền, phải tu cho có kết quả tốt. Cha mẹ thấy con tu hành, đạo đức tăng trưởng, cũng hoan hỉ tùy thuận mà tu theo. Nhờ tu theo nên thoát khổ, không rơi vào tam đồ ác đạo, đời sau có thể trở lại làm người hoặc sanh về các cõi lành. Dù chúng ta chưa đắc đạo nhưng với lòng quyết tâm tu chân chánh cũng có thể đem lại lợi ích cụ thể, cha mẹ, anh em thân tộc cùng phát tâm tu với chúng ta. Đó là đền ân cha mẹ.
Chúng ta tu được mới đền ân Phật Tổ hay Thầy Tổ. Phật Tổ hay Thầy đều muốn dạy đệ tử tu hành đạt kết quả tốt, nên trong nhà Phật dùng câu: “Đền ân Phật Tổ là đền ân chẳng đền”. Ân chẳng đền là sao? Phật đã nhập Niết-bàn, Tổ cũng tịch rồi, nhưng vì thương chúng sanh nên các Ngài chỉ dạy chúng ta tiếp nối ngọn đèn trí tuệ, để rọi sáng cho chúng sanh. Chúng ta vâng theo lời Phật Tổ, cố gắng mồi đuốc thắp đèn cho sáng, hướng dẫn mọi người thoát khỏi đêm tối khổ đau. Đó là đền ân Phật Tổ bằng tinh thần ứng dụng đạo lý, thực hiện đúng theo bản nguyện của các Ngài. Điều này rất cao thượng, rất quý báu.
Kế đến là ân quốc gia. Nếu chúng ta tu hành đủ đức hạnh, sau đó dạy cho người dân biết sống lương thiện, biết thương yêu, đùm bọc nhau với lòng từ bi. Sáng suốt nhìn thấy lỗi quấy không làm, cố gắng làm những điều hay đẹp. Nhờ thế, đem lại an ninh cho đất nước, hạnh phúc cho mọi người, giúp quốc gia hưng thịnh. Đó là đền ân quốc gia.
Chúng ta tu không phải tự làm ra cơm gạo mà ăn, tất cả đều trông nhờ thí chủ. Phật tử vì quí trọng sự tu hành của Tăng Ni nên kẻ giúp việc này, người giúp việc nọ, nhờ thế chúng ta an ổn tu hành. Người có công ân lớn giúp mình tu, đâu thể nào quên được. Chúng ta tu tốt, thí chủ hoan hỉ thấy kết quả xứng đáng, họ cũng cùng tu học theo. Đó là chúng ta đền ân thí chủ.
Như vậy, nhờ tu chúng ta đền đáp bốn trọng ân, cũng nhờ tu mà cứu được tam đồ khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tăng Ni tu và dạy Phật tử tránh không làm mười điều ác. Không tạo ác nên không rơi vào địa ngục, như vậy là cứu chúng sanh ra khỏi địa ngục. Do tâm tham lam, bỏn xẻn, hiểm độc nên phải đọa ngạ quỷ. Chúng ta tu và đem chánh pháp, lòng từ bi hướng dẫn chỉ dạy cho mọi người bớt tâm tham lam bỏn xẻn, không có lòng ác độc. Như vậy là cứu họ không rơi vào ngạ quỷ. Súc sanh là loài không phân biệt lành dữ, thiện ác, tội phước v.v... Chúng ta tu nhờ trí tuệ thấy rõ tội phước, thiện ác, chánh tà… Từ đó hướng dẫn chỉ dạy mọi người lánh ác làm lành, bỏ tội tu phước, bỏ tà theo chánh. Đó là cứu mọi người thoát khỏi loài súc sanh.
Cứu ba đường khổ là cứu không gây nhân để bị quả đọa trong ba đường khổ, chớ không có nghĩa là vào ba đường khổ cứu tất cả chúng sanh trong đó ra. Cứu ở đây là cứu nhân địa ngục, nhân ngạ quỷ, nhân súc sanh. Nhân đã cứu thì quả nhất định sẽ thoát khỏi. Rõ ràng nhờ tu mà trên đền đáp bốn ân, dưới cứu giúp ba đường khổ.
Chúng ta mặc áo nhà tu ở chùa hay ở am thất mà không cố gắng, không nỗ lực thì bản thân không được gì hết, đối với tứ ân, tam ác đạo không giúp ai. Bởi không giúp được ai nên mất tất cả. Vì thế, Tăng Ni nên cố gắng tinh tấn tu hành, tận dụng ba tháng an cư, mỗi người tự nỗ lực để làm tròn bổn phận một người tu. Đó là điều thiết yếu.
Kế nữa, nếu thật là một người tu thì phải thực hành cho được ba điểm then chốt này. Điểm thứ nhất là phải dẹp bỏ phiền não. Nếu người tu mà sáng buồn, chiều giận, như vậy có gì gọi là tu? Vì cố chấp chúng ta ôm ấp vui buồn giận hờn, không có niềm vui trên đường tu, làm sao lợi ích cho người. Bởi vậy người tu trước tiên phải dẹp bỏ kiến chấp phiền não. Dù ai nói hơn mình, ai khinh bỉ mình, thấy đó cũng là trò ảo mộng. Tu thì phải mở rộng lòng từ bi, phải giác ngộ, chớ hơn thua, phải quấy, phiền não chỉ dẫn mình đi trong trầm luân, đâu có lợi ích gì mà ôm giữ mãi. Đã theo vòng trầm luân thì còn làm gì được nữa. Bản thân mình đã hỏng, còn làm hỏng tất cả mọi người trông cậy vào mình. Vì vậy người quyết tâm tu, phải dẹp bỏ tất cả phiền não chứa chấp trong lòng. Giận ai, buồn ai, hờn ai, phiền ai đều gạt qua một bên. Nên nhớ đó là trò chơi trẻ con không xứng đáng, không thành vấn đề, bỏ đi. Chúng ta đã là con Phật, hàng Thích tử không thể làm chuyện trẻ con, những việc của kẻ ngu muội.
Bước đầu quý vị nỗ lực dẹp cho được những phiền não, kiến chấp thì vào đạo một cách tốt đẹp, an lành.
Kế đến, bước thứ hai, khi bỏ phiền não dứt kiến chấp rồi, chúng ta mới mở rộng lòng từ bi, thương mọi người, thương mọi vật. Thấy một người bạn đồng hành tu mà gặp nghịch cảnh, chúng ta có thể giúp được gì, cố gắng giúp để bạn cùng tiến tu. Đó là từ bi gần, từ bi với những người bạn đồng hành, ở cạnh chúng ta. Đừng bao giờ có ý niệm làm trở ngại tâm tu hành của người khác. Nếu lòng từ bi chưa bủa khắp mọi người, ít ra cũng bủa khắp trong chòm xóm, chung quanh mình, làm sao ai ai cũng vui, cũng an ổn để cùng tu với nhau.
Đừng nghĩ mình tu hay rồi khinh người tu dở, khiến họ phiền não. Hoặc người này thấy người kia có nhiều phương tiện trong lúc tu, mình thiếu thốn đâm ra bực bội nói xiên, nói xỏ v.v... không bao giờ có tâm đó. Chúng ta phải nuôi dưỡng lòng từ bi, chân thật, thương yêu, giúp đỡ nhau, làm sao mọi người chung quanh đều tu được, tiến được. Đó mới thực là những con người chân chánh tu hành.
Thứ ba, tu thì phải có trí tuệ. Tăng Ni đến đây là đến với đạo, đến vì sự tu hành chớ không phải vì một lý do tầm thường. Cho nên chúng ta phải mở sáng con mắt trí tuệ, không thể tu mà mù mịt tối tăm, không nhận rõ chánh tà. Vì vậy, điểm thứ nhất là cần mẫn học tập, để phát huy trí hữu sư, kế đến cố gắng tọa thiền để tâm an định. Tâm an định thì trí tuệ vô sư phát sáng. Từ hữu sư trí bước sang vô sư trí, chúng ta phải nỗ lực, cần mở sáng hai trí này, đừng để cho mù mịt tối tăm. Được vậy mới gọi là người tu chân chánh, đúng theo lời Phật dạy.
Nếu không làm ba điều này là tu không được. Tu không được thì tất cả những gì quý vị trông đợi đều mất. Hôm nay nhân mùa an cư tôi nhắc nhở tất cả Tăng Ni đều phải cố gắng. Ba tháng dành cho việc tu hành, mà chúng ta không cố gắng tu hành, đó là điều đáng trách. Chúng ta không làm tròn bổn phận của mình là phụ lòng mọi người đang trông đợi, là thiếu trách nhiệm. Tôi mong tất cả Tăng Ni ở đạo tràng Thường Chiếu, nội viện cũng như ngoại viện đều nỗ lực tinh tấn tu hành cho mùa kiết hạ an cư năm này được kết quả tốt đẹp nhất. Những vị trong nội viện phải làm gương cho mọi người chung quanh nương nhờ. Như vậy mới xứng là đệ tử của đức Thế Tôn.
Cứ mỗi năm sau mùa an cư, tất cả Tăng Ni các thiền viện tụ hội về chúc mừng khánh tuế tôi, tức là chúc mừng tôi tăng thêm một tuổi hạ. Tôi cũng chúc mừng tất cả quý vị được thêm một tuổi đạo. Thông thường ở thế gian, mỗi năm đến ngày mồng một Tết người ta chúc thọ cho nhau. Trong đạo thì lấy ngày mãn hạ tháng bảy làm ngày khánh tuế, chúc mừng tuổi đạo cho nhau. Tuổi thọ thế gian là tuổi thọ của thân tứ đại, tuổi thọ của đạo là tuổi thọ của giới thân huệ mạng. Hai bên khác nhau.
Thân tứ đại thêm một tuổi là gần tới cái chết một phần, cho nên càng tăng tuổi thọ thì càng gần cái chết. Ngược lại, tuổi thọ trong đạo càng tăng thì càng gần với quả vị Bồ-đề, không phải gần cái chết. Mùa an cư là thời gian chúng ta tích lũy công đức, nỗ lực tu hành để tăng trưởng đức hạnh, tăng trưởng trí tuệ. Đức hạnh, trí tuệ tăng trưởng thì tăng trưởng giới thân huệ mạng. Người tu Phật cốt làm sao mỗi ngày trí tuệ mỗi tăng trưởng cho đến viên mãn, gọi là đạt quả Bồ-đề.
Mỗi năm Tăng Ni cố gắng tu trong ba tháng an cư thật tinh tấn, luôn luôn tỉnh giác, nhờ công đức đó mà trí tuệ tăng trưởng. Nếu mỗi năm trí tuệ mỗi tăng thì con đường đi đến quả vị Bồ-đề càng gần. Tôi nghĩ rằng qua một mùa an cư, tất cả Tăng Ni vui mừng vì sắp được gần cội Bồ-đề của đức Phật. Thế thì được một tuổi đạo là điều đáng mừng đáng vui và đáng khích lệ. Được một tuổi đời thì đáng lo, đáng sợ vì sắp chết. Cho nên tuổi đạo rất quý, người đệ tử xuất gia theo Phật, ai ai cũng cố gắng thực hiện cho xứng đáng một tuổi đạo. Đừng để qua một mùa an cư, tính thêm một tuổi đạo mà chỉ có trên con số, trên hình thức, không có trên đức hạnh. Đó là điều đáng buồn.
Năm nay Tăng Ni được phước duyên lành mới chung họp một nơi, trên có thầy dưới có bạn, chung quanh có Phật tử ủng hộ cho mình tu được viên mãn, không chướng ngại. Thiện hữu tri thức luôn luôn thúc đẩy chúng ta tiến lên, đó là phúc duyên lớn lao, phải cố gắng thực hiện cho đúng với sở nguyện, với ý nghĩa ba tháng an cư kiết hạ. Tôi nhắc cho tất cả Tăng Ni ý thức rõ ràng tầm vóc quan trọng trong mùa an cư như thế. Phải ghi nhớ và thực hành cho tốt.
Kế đến tôi nhắc Tăng Ni và tất cả quý Phật tử việc tu trong tất cả mọi thời điểm. Tất cả ai đã phát nguyện xuất gia đều gọi là đi tu. Đã là người tu thì không chấp nhận địa vị phàm phu của mình mà quyết tâm vươn tới Thánh vị. Nếu chấp nhận phàm vị thì để tóc ở đời, chớ đi tu làm gì? Chúng ta đã cạo tóc đi tu là không thích, không chịu vùi mình trong cõi trần tục.
Phát nguyện xuất gia tu hạnh giải thoát, tức lập hạnh tiến lên Thánh vị. Muốn tiến lên Thánh vị mà chỉ nói bằng ngôn ngữ, ý tưởng, không thực hành đúng lời dạy của các bậc Thánh thì không thể tiến lên bậc Thánh được. Chúng ta xả tục xuất gia là nguyện bỏ hết những thói quen, những tật cũ của thế tục, tập theo hạnh Thánh nhân. Thế mà vào chùa xả tục chừng bao nhiêu phần trăm? Xả trọn vẹn 100% hay xả mà còn tiếc. Xả chừng ba bốn chục phần trăm, còn dành lại năm sáu chục chưa chịu xả, có phải vậy không? Xả như thế là chưa đúng mức.
Chúng ta nhớ xả từ hình thức gia đình đến những vướng mắc trong tâm tư. Ngày trước sống với cha mẹ anh em thân tộc, bây giờ rời xa gia đình thế tục, xả bỏ những gì người đời tranh giành hưởng thụ, như tài sắc danh thực thùy, để bước vào đạo tiến lên quả Thánh. Tất cả những gì người thế gian đang lặn hụp chìm đắm, chúng ta đã vượt qua. Phải quả cảm lắm mới bước ra khỏi nhà thế tục, nhưng còn thói quen tập tục thế gian chúng ta xả được chưa, hết chưa? Đó là câu hỏi mỗi người phải tự vấn và tự trả lời cho mình.
Sông mê bể ái là nơi chúng sanh đang chìm đắm, Phật bảo rất đáng thương. Người xuất gia tu hành như chúng ta phải như thế nào? Còn mê còn ái hay thoát khỏi lưới mê ái? Nếu chúng sanh chìm trong sông mê bể ái, thì người tu là kẻ chèo thuyền Bát-nhã cứu vớt họ lên. Bát-nhã là gì? Là trí tuệ. Chúng sanh mê thì chúng ta phải sáng, chúng sanh ái nhiễm thì chúng ta phải giải thoát trần lao. Như vậy mới đúng ý nghĩa vượt khỏi sông mê bể ái. Mình vượt qua rồi mới chèo thuyền Bát-nhã cứu vớt mọi người.
Hiện giờ quý vị đang chèo thuyền Bát-nhã, hay đang cùng đua lội với chúng sanh trong sông mê bể ái? Câu hỏi này mỗi vị nên tự đặt lại cho mình. Chúng ta đang chèo thuyền Bát-nhã cứu vớt người đang chìm trong sông mê bể ái hay chúng ta cũng đang lặn lội trong sông mê bể ái như họ? Nếu đang lặn lội trong sông mê bể ái như mọi người thì thật là một thiệt thòi lớn cho mình. Bởi vì chúng sanh chưa có nguyện xuất trần thoát tục, nên họ lặn lội trong đó đành rồi. Chúng ta đã có nguyện xuất trần thoát tục mà còn lặn lội trong đó thì sao? Người ta có tóc, giả sử gặp ai chèo thuyền trong đó, họ ngóc đầu lên, nắm tóc kéo lên thuyền cũng được. Người trọc đầu rồi, đâu còn tóc mà nắm mà lôi, có trồi lên cũng không ai vớt nổi. Tôi nói như đùa nhưng đó là một sự thực.
Người tu mà không nhận chân được lẽ thực, không nhận chân được giá trị của chính mình thì người đó hết cứu. Thà là mê muội trần tục mà có thể đánh thức, có thể cứu. Đã là người tu mà vẫn mê đắm như người đời thì hết cứu. Tôi nói như thế cho quý vị hiểu ý nghĩa và giá trị của người tu.
Chúng ta đã đi tu, đã quyết tâm thực hành đạo giải thoát thì không còn một lý do nào lại quay đầu trở về đắm nhiễm trần tục. Tôi xin hỏi thật Tăng Ni, có khi nào quý vị thấy hối tiếc những cặn bã của trần tục không? Chẳng biết có tiếc không mà thỉnh thoảng thấy một hai người muốn quay đầu lại. Cho nên phải hiểu và nhớ trách nhiệm, bổn phận của mình để đừng rơi vào các trường hợp đáng tiếc. Việc mình đang làm không thể khác hơn được, không thể đang tiến tới mà lại hối tiếc chuyện phía sau. Phải can đảm vươn lên, tiến lên, không được lùi. Lùi là mất cả hai. Mất con người bình thường vì sống không giống ai và mất luôn cả ý chí xuất trần.
Cho nên đã đi tu rồi tức là xả tục. Xả từ hình thức gia đình, ăn mặc bên ngoài, xả luôn cả tâm niệm đắm nhiễm bên trong. Dù hình thức có xả mà tâm niệm chưa xả thì chỉ khác người thế tục trên mặt hình thức, chớ không khác tâm phàm Thánh. Chúng ta tuy xuất gia rồi nhưng chưa đạt quả Thánh, tuy nhiên tâm đang hướng về Thánh đạo. Đã hướng về quả Thánh thì tất cả những gì thuộc về phàm tục phải cắt đứt, phải buông hết, không được nắm níu, tiếc nuối. Như vậy mới xứng đáng là người tu.
Xả hình thức không khó lắm nhưng xả tâm niệm rất khó. Những người ra khỏi nhà xin vào chùa tu ban đầu gan lắm, tưởng như xả được tất cả nhưng vào chùa rồi lại xả không nổi. Xả cái gì không nổi? Ở ngoài đời có danh có lợi, mình vào chùa không còn danh không còn lợi, cho nên xả danh lợi dường như hơi dễ, nhưng xả bỉ thử nhân ngã, hơn thua phải quấy rất khó.
Tuy vào chùa mang hình thức người tu mà vẫn chấp ta hơn kia thua, ta phải kia quấy, ta đúng kia sai, ta chân chánh kia tà vạy v.v... Chúng ta chưa xả được tâm đó. Bởi vậy lý đáng vào chùa rồi thì thật là người ngoan hiền, thầy dạy, Phật dạy, Tổ dạy sao mình làm đúng y như vậy, nhưng trên thực tế không phải vậy. Một người can đảm xuất gia rồi, còn cái gì chống đối, còn cái gì ngang trái, vậy mà vẫn xảy ra những chuyện ấy như thường.
Ở ba bốn người thì có cái bất mãn của ba bốn người. Ở một hai người thì có cái bất mãn của một hai người. Ở năm bảy chục người thì có cái bất mãn của năm bảy chục người. Lúc nào cũng không bằng lòng, không vừa ý. Không bằng lòng, không vừa ý ai? Đương nhiên là người khác, nói theo thế gian là đối phương. Những người đối mặt với mình, mình không bằng lòng, không vừa ý. Cứ nhớ không bằng lòng người này, không vừa ý người kia, nhưng nếu tự hỏi lại ta có bằng lòng có vừa ý mình chưa thì thật khó trả lời. Câu này tất cả quý vị phải chín chắn hỏi lại mình.
Hồi mới đi tu mình nguyện thế nào? Hứa với cha mẹ, hứa với người thân những gì, bây giờ làm đúng chưa? Chuyện đó không nhớ mà cứ nhớ người này làm không vừa ý, người kia làm phiền lòng mình v.v... Cứ buồn phiền trách móc người khác mà không nhớ rằng chính mình cũng chưa xứng đáng gì hết. Đối với cha mẹ bỏ đi tu, cha mẹ phải khóc phải than, có khi bị lôi kéo không cho tu nữa, mà vẫn can đảm dứt khoát đi. Vô chùa rồi chuyện hơn thua phải quấy rất trẻ con lại bỏ không được, quý vị nghĩ sao? Có phải tâm niệm phàm tục chưa xả bỏ không?
Nếu không xả bỏ tâm niệm phàm tục, còn hơn thua phải quấy kia đây, đó là chướng ngại trên đường tu, khiến cho tâm Bồ-đề mờ tối. Từ đó hoài bão muốn giác ngộ giải thoát trở thành tro bụi, thành bong bóng. Mong mỏi thành tựu bản nguyện mà chỉ có cái rỗng không, làm sao đạt được kết quả chân thật? Nếu có chẳng qua chỉ là những quả bong bóng thôi. Cho nên quý vị đã tu thì phải nhớ bản nguyện, lòng chí thành từ lúc ban đầu của mình.
Nhiều vị lớn tuổi có gia đình, có con cái thấy được khổ đau của kiếp người, thấy được sự mê muội đáng thương của chúng sanh, cho nên quyết tâm đi tu để cứu độ họ. Nhưng đi tu rồi, thói quen thế tục xả không được, rốt cuộc cũng quanh quanh quẩn quẩn, muốn độ người mà chính mình chưa độ được thì độ ai? Cho nên phải can đảm, phải nhìn lại sự thật, ngay bản thân mình thường luôn kiểm điểm.
Ngày nào, tháng nào, năm nào cũng phải thấy rõ, mình đã tiến được bao nhiêu, đã được điểm hay nào, còn sót lại điểm dở nào. Thấy rõ để dẹp sạch những xấu dở đã huân tập từ trước. Không còn ôm ấp những thói phàm tục mới có thể đi trên đường Thánh. Như vậy, quý vị sẽ thấy đời tu cao siêu, quý báu vô cùng. Đó là nói thói quen nhân ngã bỉ thử.
Kế đến là những thói quen buồn giận, thương ghét. Chúng ta đi tu có nên buồn ai năm ngày bảy ngày, giận ai năm năm, bảy năm và thương ai, ghét ai hay không? Phật Tổ cũng dạy chúng ta: “Tăng hận bất cách túc”. Các Ngài cho giận mà giận không quá một đêm. Lẽ ra Tăng không có quyền giận, nhưng các Ngài cũng an ủi cho giận, mà giận không quá một đêm. Ở đây Tăng Ni sống chung có giận ai quá một đêm không, hay qua năm tháng, bảy tháng, một năm, hai năm cũng còn giận?
Tất cả chúng ta chưa phải là Thánh, tự nhiên còn những điểm dở, gặp việc trái ý thì không vui. Không vui tức là buồn giận. Với người chưa biết tu khi giận họ ôm ấp trong lòng để trả thù. Với người biết tu khi giận hoặc gặp việc trái ý thì hóa giải liền, không nuôi dưỡng ôm ấp trong lòng. Như vậy mới thật là người biết tu. Người đã cạo đầu, mặc áo nhuộm mà khi giận đòi thanh toán thế này thế kia thì còn tư cách của người tu nữa không? Những người như thế thật không xứng đáng là người tu.
Người tu dù ai làm trái ý, không đủ sức chiến thắng liền, ít ra một hôm hoặc là năm bảy tiếng đồng hồ sau cũng hóa giải, đó mới thật là người tu. Tất cả quý vị đã tu rồi phải luôn luôn nhớ trong tâm, mình là người từ bỏ vị trí phàm phu để tiến lên ngôi vị Thánh Hiền, phải từ bỏ những thói quen thế tục ngày xưa, không nên nuôi dưỡng ôm ấp nó nữa. Đó là tôi nói về sân hận buồn phiền.
Kế đến, nói tới ái tức là thương. Phật nói thương theo người thế gian là một bệnh trầm trọng nhất của chúng sanh. Thế gian chìm trong sông mê bể ái, mình tu rồi phải leo lên bờ, đâu có quyền chìm trong đó nữa. Đã tu thì phải ra khỏi biển ái, còn chìm trong biển ái đâu gọi là người tu, thì làm gì có chuyện độ ai. Đó là điều hết sức dở. Chúng ta phải gan dạ vượt qua, không để tái phạm những điều ngày xưa mình từng chán chê.
Người xuất gia vừa có một niệm ái nhiễm phải can đảm cắt đứt, đừng để nó lôi kéo. Được vậy, chúng ta mới thảnh thơi chèo thuyền Bát-nhã cứu vớt những người đang chìm trong biển ái. Trong kinh thường dạy: “Không bao giờ kẻ chết chìm cứu được người chết chìm”. Muốn cứu người chết chìm phải là người có thuyền, biết chèo mới có thể cứu được. Nếu cùng chìm với thiên hạ mà nói cứu người là nói không đúng sự thật.
Nói đến sự tu hành chúng ta phải dứt khoát gạt bỏ các thứ bệnh, như sân hận, buồn phiền, ái nhiễm… Đó là những thói quen phàm tục. Chúng ta không chấp nhận làm kẻ phàm tục, thì không nên chứa chấp những thứ đó. Đây là một lẽ thực.
Người tu phải nên đi thong dong trên bờ giác. Bờ giác là bờ an lành tự tại. Tại sao nói thong dong trên bờ giác? Vì mọi trói buộc đã được cắt đứt thì còn gì làm cho chúng ta phải bận bịu, còn gì làm cho chúng ta phải chướng ngại. Nên nói được thong dong trên bờ giác. Trong Chứng Đạo Ca, thiền sư Huyền Giác nói: “Thường độc hành thường độc bộ, đạt giả đồng du Niết-bàn lộ”. Nghĩa là người giác ngộ thường đi một mình trên bờ Niết-bàn. Bờ giác cũng gọi là bờ Niết-bàn.
Một bên chìm trong sông mê biển ái, một bên là thong dong trên bờ giác, chúng ta chọn bên nào? Khi đi tu quý vị đã quyết định rồi, cho nên kể từ đây Tăng Ni phải là người thảnh thơi, thong dong trên con đường giác ngộ, trên bờ Niết-bàn, không còn bị sanh tử lôi kéo nữa. Rõ ràng một bên tối, một bên sáng, bên khổ bên vui, chúng ta đã chọn lựa rồi thì bây giờ phải giữ đúng như những gì mình đã chọn buổi ban đầu.
Chúng ta đi tu phải làm sao càng ngày càng tiến, càng cao thượng, càng đẹp đẽ hơn, chớ đâu có lý do gì đi tu rồi càng ngày càng phiền não, càng tệ hơn lúc chưa đi tu. Đó là điều Tăng Ni phải thật sự kiểm điểm lại mình. Thầy bạn đi trước, đang dìu dắt chúng ta đi trên con đường giác mà không chịu đi, thì thật đáng buồn đáng trách.
Phải nhớ nói tới tu là nói tới giá trị của một con người xuất trần, giải thoát, chớ không nói kẻ phàm tục, đắm nhiễm. Chúng ta nhiều phúc duyên nên mới được tụ hội cùng chung tu hành, phải biết nuôi dưỡng phúc duyên này càng ngày càng lớn, đừng để nó tiêu mòn. Người quyết chí tu phải một bề hướng thẳng trên con đường giác ngộ, không nên hối tiếc nhìn lại những thứ tầm thường đã qua. Có thế mai kia mới xứng đáng là người chèo thuyền Bát-nhã cứu độ chúng sanh ra khỏi trầm luân sanh tử. Đó là chỗ thiết yếu, là bổn phận không thể nào quên được của Tăng Ni. Người nào quên những điều này là đã cô phụ ân cha mẹ, ân đàn na thí chủ, ân Thầy Tổ chỉ bảo.
Qua một mùa an cư Tăng Ni đã có nền tảng đạo đức rồi, từ đây về sau phải hăng hái tiến lên trên con đường giác, không tuột lại lối mê cũ. Tu thì phải giác, nhất định không cho mê. Được vậy mới thật xứng đáng người tu đầy đủ công đức.
Đó là chỗ tôi nhắc nhở, mong tất cả Tăng Ni ghi nhớ và cố gắng thực hiện cho tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét