Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Quăng bỏ gánh nặng của ưu phiền và lo lắng - Thầy Pháp Nhật



Quăng bỏ gánh nặng của lo lắng và ưu phiền là điều ta có thể làm được ngay bây giờ và ở đây. Trong cuộc sống thường nhật ta có quá nhiều những vất vả, lo toan, bận rộn. Ta không có thì giờ yên tĩnh để tiếp xúc với chính mình, để nhận lại con người thật của chính mình. Ta đã để tâm trí và sức lực vào những điều dường như vô ích. Ta hay tiếc nuối những cái gì đã qua, lo lắng những cái sắp xảy ra. Nhưng những cái gì đã qua thì đã qua rồi, còn những điều chưa tới thì ta chưa biết, và không chắc chắn, vậy mà ta cứ để bản thân mình trôi dạt hoặc là về những tiếc nuối của quá khứ, hoặc những đau buồn trong hiện tại hay những dự án, lo lắng trong tương lai. Ta đã đánh mất đi giây phút quí giá trong hiện tại. Ta đã đánh mất đi sự sống.

Ta đánh mất sự sống bởi vì ta không an trú được trong giây phút hiện tại và sự sống thì chỉ có mặt trong giây phút đang là, ngay bây giờ và ở đây. Sự sống đang có mặt ngay giây phút bạn đang đọc những dòng chữ này với một tâm thức trọn vẹn, với con người không phân mảnh.

Trở về với sự sống là bạn đang trở về với chính con người thật của mình, con người trọn vẹn, con người không bị phân mảnh. Giây phút hiện tại, tiếp xúc với cái đang là là cánh cửa để bạn bước vào thế giới của thực tại. Thực tại thì luôn luôn nhiệm màu và sống động.

Trời xanh, mây trắng, liễu biếc, thông reo là những cánh cửa của hiện hữu, là lối vào tuyệt vời của thực tại. Chỉ cần một giây quyết định sống, quyết định mở tung cánh cửa của hiện hữu thì bạn sẽ thấy thế giới này dưới con mắt hoàn tòan khác. Mỗi sự vật dù nhỏ nhặt nhất cũng chứa đựng trong nó những điều linh thiêng và vẻ đẹp rực rỡ. Khung cảnh nơi bạn sống sẽ lập tức trở thành cảnh thiên đàng hay cảnh cực lạc ngay. Bạn sẽ bước vào một thế giới tươi vui, hạnh phúc. Bạn sẽ bước vào một thế giới không sầu khổ. Bạn trở thành một con người tự do. Gánh nặng của ưu phiền, lo lắng tự chúng rơi rụng.

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Bản năng người mẹ của cô ngỗng


Mặc dù bị lửa thiêu trụi đuôi, con ngỗng vẫn không chịu rời khỏi tổ. Điều gì đã khiến nó cố chấp đến vậy?
Nhà động vật học Tim White đang làm việc tại công sở ở hạt Erie, Ohio, Mỹ vào một ngày Chủ nhật thì chợt nhận ra một góc tòa nhà đang bốc khói. Nhanh chóng chạy tới vụ cháy, White ngạc nhiên thấy một con ngỗng vẫn đang nằm yên giữa đám lửa… “Đó là một vụ cháy nhỏ, nhưng cái chính là con ngỗng đang ngồi ngay giữa đám cháy“, White kể.



(Ảnh: Tim White, theo Thedodo)
(Ảnh: Tim White, theo Thedodo)

Bối rối, White bất chợt hiểu nguyên nhân đã khiến cô ngỗng cố chấp đến vậy: nó đang bảo vệ cho chiếc tổ với 6 quả trứng ở bên trong. Bản năng của người mẹ đã khiến nó bất chấp tất cả, thậm chí là hy sinh thân thể mình để bảo vệ bầy con chưa nở.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Mọi Thứ Điều Là Ân Nghĩa - thầy Pháp Nhật


Khi chúng ta có mặt trong cuộc đời này là chúng ta đang sống trong ân nghĩa. Không có bất kì điều gì ta làm mà có thể ra ngoài ân nghĩa với cuộc đời được. Không khí ta hít thở cũng là ân nghĩa đối với cây cỏ. Chúng đã tạo ra một lượng oxi khổng lồ cho chúng ta. Cơm ta ăn hàng ngày là công sức của biết bao nhiêu người đã phải làm việc vất vả trên đồng ruộng. Biết bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ xuống ruộng đồng để cho ta bát cơm nóng. Áo ta mặc cũng liên hệ đến biết bao nhiêu người đã ra công đan, dệt, may.


Hình hài của ta đang có đây cũng là ân nghĩa. Ba mẹ ta đã trao tặng nó cho ta. Mẹ đã mang ta 9 tháng 10 ngày với bao khó khăn trong khi đi đứng. Mẹ đã chịu bao sư vất vả đau đớn để cho ta ra đời. Khi ta ra đời rồi ba mẹ phải nuôi nấng dạy dỗ ta trưởng thành. Ơn ba mẹ làm sao có thể nói hết.

Chú Tiểu Ngây Thơ

mình đã đòi hỏi ở cuộc sống quá nhiều,trong khi đã không nhận ra rằng mình đã được rất nhiều

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Tâm sự với thầy cô giáo trẻ - Thầy Pháp Nhật





Tôi rất vui khi biết được ước mơ của em đã trở thành hiện thực. Em bây giờ đã là một giáo viên, một người mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo. Thế hệ trẻ này là các học trò của em, là con cháu của em. Khi tôi viết những dòng chữ này cho em thì tôi cũng đang nhìn thấy em hạnh phúc khi đứng trên bụt giảng với ánh mắt vui cười hướng về những cậu bé, cô bé học trò với cái nhìn trìu mến, thương yêu.

Em có nhận ra những cô bé, cậu bé đó là hình ảnh của em nhiều năm về trước không? Những cậu bé, cô bé đó sẽ có những ước mơ, những hoài bảo và đồng thời cũng có những xung đột, khó khăn và những vướng mắc trong nội tâm. Những điều này có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Là một thầy giáo, là một cô giáo thì em không những chỉ dạy cho các học trò mình những kiến thức giáo khoa thôi mà em còn phải gợi cảm hứng cho các học trò của mình nhận ra những tài năng, năng khiếu để phát huy và đồng thời cũng phải biết các em đang gặp khó khăn gì để giúp đỡ kịp thời. Được thế thì không những em sẽ hạnh phúc vô cùng mà các học trò của em cũng sẽ có được một tương lai tươi đẹp hơn.

HÃY HÀNH ĐỘNG VÌ HÒA BÌNH VÀ ĐỪNG TRÔNG CHỜ VÀO THƯỢNG ĐẾ HAY CHÍNH QUYỀN


Bảo Trích dịch (Ký gỉa Murali Krishnan phỏng vấn tại Jalandhar, India.)
dalai lama DW
Ảnh: Murali Krishnan
Sau các cuộc tấn công chết người ở Paris, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng nói với đài DW rằng con người không nên trông chờ Thượng đế giải quyết vấn đề mà mình đã gây ra và chúng ta cần một cách tiếp cận mang tính hệ thống để thúc đẩy các giá trị nhân văn.
Đối với hàng triệu tín đồ trên thế giới, đức Đạt Lai Lạt Ma là sự hiện thân của lòng từ bi và nhân văn. Đức Đạt Lai Lạt Ma, tên thật là Tenzin Gyatso, đạt giải Nobel Hòa bình năm 1989, được biết đến bởi cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ vì quyền tự trị của Tây Tạng.

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Tha Thứ - Thầy Pháp Nhật






Bạn đang muốn chạy trốn quá khứ, bạn muốn loại bỏ hình ảnh người đã làm bạn đau khổ ra khỏi tâm trí mình. Đôi khi bạn muốn trừng phạt những người làm cho bạn khổ. Bạn không có khả năng tha thứ cho người làm bạn đau khổ bởi vì những lời nói hoặc hành động mà người đó đã làm tổn thương bạn, đã làm cho con tim bạn nhói đau một khi nghĩ tới. Sau một thời gian lâu, bạn nghĩ rằng bạn đã tha thứ được cho người đó rồi, vết thương trong lòng bạn đã lành rồi, nhưng khi phải đối diện với người làm cho bạn đau khổ thì bạn thấy sự buốt nhói vẫn còn. Bạn chưa thể tha thứ. Những nỗi khổ mà người đó gây ra cho bạn vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống của bạn trong hiện tại và cả trong tương lai. Làm sao chúng ta có được một sự tha thứ chân thật và buông bỏ được quá khứ đau thương kia? 

Sự tha thứ chân thật là thấy được những nỗi khổ đau của người kia, thấy được những gì họ làm đều có nguyên nhân xa từ những tập khí không lành mà do môi trường sống của bản thân người đó tạo nên, hay được thừa hưởng từ những hạt giống của ông bà, cha mẹ người đó trao truyền. Và thật sự họ không muốn làm những điều như vậy, thật sự họ không muốn làm tổn hại đến chúng ta. Họ là người gây ra những lời nói đó, những việc làm đó, nhưng họ cũng chính là nạn nhân của những gì họ nói và làm. Khi thấy được những điều này thì sự tha thứ, tình thương có mặt rất tự nhiên trong lòng của chúng ta. Và sự tha thứ, tình thương này chính là nước từ bi thanh lương sẽ làm lành những vết thương mà người kia đã làm cho ta đau khổ.

Nhưng để thấy được những điều này chúng ta cần có nhiều thời gian thực tập và nhìn sâu. Trước hết chúng ta cần nhận thức rõ thân và tâm ta là những dòng chảy linh động, thay đổi không ngừng. Và sự thay đổi này luôn luôn bị tác động bởi môi trường xung quanh. Nếu ta sống trong môi trường lành mạnh, mọi người biết thương yêu giúp đỡ nhau, thì những phẩm chất yêu thương, nâng đỡ ấy sẽ đi vào con người chúng ta, và nó biến thành một phần trong đời sống của chúng ta. Còn ngược lại nếu ta sống trong một môi trường mà sự bạo động, kì thị, lên án, trách móc… quá nhiều thì ta cũng bị ảnh hưởng bởi những năng lượng này. Tâm hồn ta sẽ khô héo, thân thể ta sẽ mỏi mệt bởi vì mỗi ngày ta phải tiếp nhận quá nhiều những năng lượng không lành như thế.

Ta sẽ thấy điều này rất rõ đối với những đứa bé sống trong một gia đình hạnh phúc, và một đứa bé sống trong gia đình mà ba mẹ thường hay cãi vả, mối bất hòa thường xuyên xảy ra. Đứa bé được sống trong một gia đình hạnh phúc, bố mẹ thương yêu nhau thì em sẽ thừa hưởng được những năng lượng lành này. Đối với em cuộc sống là niềm vui và gia đình là mái ấm thật sự. Còn ngược lại, ở trong gia đình là một cực hình vì phải nghe ba mẹ cãi vả nhau. Và khi lớn lên tâm tính của các em, cách hành xử của các em sẽ mang theo những dấu ấn mà người lớn đã vô tình trạm khắc trên tâm hôn bé thơ của em. Nếu được những dấu ấn của hòa ái, yêu thương thì các em sẽ hành xử với những người xung quanh theo cách hòa ái, yêu thương. Nếu những dấu ấn là bạo động, hận thù thì các em cũng sẽ hành xử với những người xung quanh theo phương thức hận thù và bạo động. Các em là nạn nhân của môi trường sống chung quanh em. Và các em này là ai? Các em này chính là chúng ta. Các em này là con chúng ta, là cháu chúng ta. Các em này chính là những người làm ta đau khổ.

Hiểu được điều này thì tha thứ, yêu thương sẽ có mặt dễ dàng trong lòng chúng ta. Và chúng ta sẽ tha thứ được cho những người làm ta đau khổ. Điều này diễn ra một cách tự nhiên, không gò ép khi tuệ giác trên có mặt. Chúng ta không có khuynh hướng trừng phạt hay lên án nữa. Và ta muốn cho những người xung quanh ta có được một nếp sống hiền hòa, yêu thương. Bởi vì ta biết những gì ta suy nghĩ, nói hay làm đều để lại những dấu ấn trong lòng chúng ta và những người xung quanh ta.

Ai cũng có lỗi lầm
Vấp ngã rồi đứng lên
Con thực tập tha thứ
Cho con và cho người.


Ý NGHĨA AN CƯ - H.T Thích Thanh Từ


Trong đạo mỗi năm đều có ba tháng an cư dành cho Tăng Ni, kể từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Lý ra ngày an cư tôi có mặt để làm lễ cho quý vị, nhưng vì tôi không có mặt ngay ngày đó, nên hôm nay Trụ trì Thường Chiếu cũng như tất cả Tăng Ni thỉnh tôi nhắc nhở việc tu hành cho quý vị nhân mùa an cư này.
Mùa an cư năm nay Tăng Ni rất đông đảo. Quý vị ở nội viện cũng như ngoại viện Thiền viện Thường Chiếu đều ứng dụng đúng như lời Phật dạy tổ chức ba tháng kiết hạ an cư.

Trước tôi nói ý nghĩa an cư kiết hạ, sau sẽ nhắc thêm những điều cần thiết. Ai cũng biết tháng tư là đầu mùa mưa ở Việt Nam, ở Ấn Độ tháng này mưa nhiều. Hồi xưa thời đức Phật còn tại thế, bình thường chư Tăng Ni đi giáo hóa nơi này nơi nọ, ít ở một chỗ cùng nương nhờ chư Thượng tọa, Đại đức có giới hạnh cao thâm nhắc nhở chỉ dạy tu hành. Đến mùa mưa nước nổi các loài trùng kiến bò ra đường rất nhiều. Chư Tăng, chư Ni đi nay, đi kia sẽ giẫm đạp chúng. Đức Phật vì lòng từ bi chẳng những thương người mà còn thương tất cả các loài trùng kiến nhỏ bé nữa, nên không đành giẫm đạp lên chúng trong mùa nước nổi. Vì vậy, Phật chế ra ba tháng an cư ở yên một chỗ để tránh sát hại côn trùng.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Bắt Đầu Một Ngày Mới - Thầy Pháp Nhật





Vẫn là tia nắng mới đánh thức ta dậy sau một giấc ngủ sâu. Ta mỉm cười với nắng mới. Ta mỉm cười với chính ta. Mỉm một nụ cười để bắt đầu một ngày mới thật là khoan thai và dễ chịu. Như thi hào Nguyễn Du đã từng nói: “Trăm năm trong cõi người ta”, nếu đời người là một trăm năm thì trong ngần ấy thời gian kể từ lúc này, ta có sống đúng nghĩa với sự sống hay không cũng bắt đầu từ hôm nay. 

Ta biết nếu ngày hôm nay ta sống được thảnh thơi, hạnh phúc thì khoảng thời gian còn lại của đời ta, cũng sẽ là một chuỗi ngày hạnh phúc. Nhưng tìm an lạc, hạnh phúc ở đâu? An lạc, hạnh phúc chỉ có mặt ngay bây giờ và ở đây trong giây phút hiện tại. An lạc, hạnh phúc là sự sống đang diễn ra tương tục trong từng giây phút.

Khi thở vào ta biết ta đang thở vào, khi thở ra ta biết ta đang thở ra. Duy trì ý thức chánh niệm về hơi thở là một trong những cách đưa thân và tâm trở về với giây phút hiện tại. Là cách mà ta có thể tiếp xúc được dòng tương tục mầu nhiệm của sự sống.

Ta bắt đầu một ngày mới với chủ quyền của chính ta. Ta không để thế lực của lo âu, quên lãng, hay những hờn giận, trách móc… lấy đi nữa. Ta là chủ nhân ông của chính mình. Khi ta là chủ nhân ông của chính mình thì ta sẽ không lỗi hẹn với sự sống.


Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Chợt Nhận Ra - Thầy Pháp Nhật





Bỗng có một ngày tôi chợt nhận ra

Điều hạnh phúc nhất không ở đâu xa

Hạnh phúc ấy ngay trong giây phút này

Ngay giây phút nhật nguyệt vần xoay

Ngay giây phút hoa bên đường chớm nở

Tâm thức tôi hòa theo từng hơi thở

Theo từng nhịp chuyển mình của vũ trụ

Tôi giang tay ôm lấy muôn tinh tú

Để suối nguồn yêu thương mãi tuôn trào

Trên cao ấy lấp lánh những vì sao.

CUỘC ĐỜI QUA MẮT TÔI - HT Thích Thanh Từ


Chiếc thân tứ đại khói,
Sinh hoạt thế gian mây.
Thành công khối nước đá,
Thất bại chùm bọt tan.
Nhục vinh bong bóng nước,
Thương ghét hạt sương mai.
Khổ vui trong giấc mộng,
Lành dữ bóng chim bay.
Tháng ngày cái chớp mắt,
Còn mất nước trăng lay.
Chung cuộc cơn gió thoảng,
Viên mãn bầu trời trong.


Hòa Thượng: Thích Thanh Từ
Thiền Viện Chân Không, 06.1984

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Ta đang tưới tẩm hạt giống nào trong tâm thức? - Thầy Pháp Nhật






Bạn có công nhận với tôi một điều rằng, bất cứ sinh vật gì muốn tồn tại cũng cần phải có thức ăn không. Nếu chúng ta quan sát trong thiên nhiên, ta sẽ thấy điều này rất rõ ràng. Từ những bông hoa nhỏ bé mọc hai bên đường cho đến những cây đại thụ cao lớn trong rừng. Từ những chú kiến bé xíu cho đến những chú voi khổng lồ, tất cả đều cần thức ăn để mà tồn tại.

Khi quan sát thế giới bên ngoài ta sẽ thấy rõ những điều như thế. Đó là thế giới bên ngoài. Còn thế giới bên trong của chúng ta thì như thế nào? Mỗi một tâm niệm của chúng ta cũng như một loài sinh vật, nếu chúng ta khéo biết chăm sóc thì chúng cũng sẽ tồn tại và lớn mạnh. Nếu chúng ta không khéo chăm sóc thì chúng sẽ héo tàn và hoại diệt.

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Thuật xử thế đơn giản của người xưa mà bạn nên học hỏi



Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hay phải đối mặt với những khó khăn, mâu thuẫn một cách bất chợt. Làm sao để có thể xử lý ổn thỏa mà không gây thêm phiền phức? Dưới đây là 10 cách ứng xử đã được cổ nhân sử dụng, có lẽ nó hữu ích cho bạn!
1. Việc gấp, từ từ nói
Khi bạn gặp phải một chuyện gấp gáp, nếu có thể bình tĩnh suy nghĩ một chút, sau đó từ từ nói rõ ngọn ngành, sẽ khiến cho người nghe cảm thấy ổn định, từ đó tăng độ tin cậy của mọi người đối với bạn.

2. Việc nhỏ nói hài hước
Đặc biệt là một vài lời nhắc nhở có thiện ý, bạn nên dùng những câu nói đùa hài hước, sẽ khiến cho người không cảm thấy cứng nhắc, họ không những vui vẻ chấp nhận lời nhắc nhở của bạn mà còn tăng thêm thiện chí với bạn.

Cách cứu sống hàng ngàn người mắc ung thư nội tiết, nội tạng



Dưới đây là công thức cứu sống hàng ngàn người mắc ung thư nội tiết và nội tạng. Ung thư (cancer) là tên dùng chung để mô tả một nhóm các bệnh phản ảnh những sự thay đổi về sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào. Các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu. Di căn là nguyên nhân gây tử vong chính của ung thư.
Cha Romano Zago, tác giả của công thức thần kỳ này.

 Những thuật ngữ khác của ung thư là khối u ác tính hoặc tân sinh ác tính. Ung thư không chỉ là một bệnh mà là nhiều bệnh. Có hơn 100 loại ung thư khác nhau. Ngày nay, tình trạng người mắc bệnh ung thư ngày một tăng do thói quen sinh hoạt không lành mạnh, ô trường môi nhiễm công với hút thuốc và uống rượu quá nhiều. Hơn nữa, gen di truyền căn bệnh này cũng chiếm một phần lớn những ca ung thư. Cha Romano Zago, tác giả của công thức thần kỳ này. 

Con Đường Giác Ngộ ★ 4 / 4 ★ Path to Enlightenment (Buddhist Film) (Eng Sub)

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Hello Vietnam ♥ Xin chào Việt Nam - M4U band - Khánh Linh (Full HD)

Con Đường Giác Ngộ ★ 3 / 4 ★ Path to Enlightenment (Buddhist Film) (Eng Sub)

Hãy là người quan sát - Thầy Pháp Nhật





Bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta, dù điều đó là tốt hoặc xấu. Điều đầu tiên chúng ta cần làm khi đón nhận chúng là quan sát. Ta hãy biến ta thành người quan sát. Khi ta trở thành người quan sát thì ta sẽ không bị đồng hoá bởi những sự kiện đang xảy ra.

Vì không bị đồng hoá nên ta đón nhận những sự kiện đang xảy đến với chúng ta một cách tròn đầy. Tiếp nhận một sự kiện đến với chúng ta một cách tròn đầy là cho ta cơ hội thấy được tính hai mặt của chúng. Nếu sự kiện đó là một sự kiện xấu thì ta cũng thấy được những ảnh hưởng tốt từ chúng đem lại. Và nhờ thấy được như thế nên ta không bị những khổ đau, buồn thương nhấn chìm. Còn với một điều tốt xảy đến với chúng ta, chúng ta vẫn thấy được mặt bên kia của chúng. Chúng ta thấy được những nguy cơ đàng tiềm ẩn trong chúng. Vì thấy được những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn nên ta không quá vui, không quá tự mãn nhưng đồng thời ta cũng biết cách tạo thêm nhiều điều kiện cho những điều tốt ấy phát triển. Là người quan sát ta sẽ làm chủ được đời sống của mình. Niềm vui là gì, hạnh phúc là gì nếu không phải là sự bình an trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Ta có là ta, ta mới đẹp




Tôi vừa tham dự một khóa tu 4 ngày có đề tài "Mindful Leadership" (từ 24.4.14 đến 27.4.14) tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB, Waldbroel, Đức), do thầy Pháp Nhật và Federico Pagni hướng dẫn. Trong ngày đầu tiên của khóa tu, thầy đề nghị mỗi thiền sinh chia sẻ về một điều gì đó mình làm tốt nhất hoặc một tính cách nào đó của mình mà mình thấy tự hào. Đến lượt tôi, tôi chia sẻ với mọi người rằng tôi là một người thành thật. Tôi luôn cố gắng sống thật với chính mình và với tất cả mọi người. Tôi chỉ nói những gì tôi thật sự nghĩ. Và tôi tự hào về điều đó.

Thực ra có lúc tôi cũng hoang mang với chính mình. Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nhiều người nói "thật thà là cha đứa dại, là ông ngoại đứa ngu". Một số người cho rằng phải biết sống "khôn khéo, luồn lách" mới thăng tiến, mới thành công được. Những người thật thà là những người suốt đời chịu thiệt thòi thôi. Có lần tôi chia sẻ băn khoăn này với một người bạn thân. Bạn ấy bảo: "Châu chân thật và nhiều khi trẻ con. Cái gì cũng có hai mặt. Không phải ai cũng giữ được sự trong sáng và hồn nhiên như Châu đâu." Tôi ậm ừ, nhưng trong lòng vẫn trăn trở. Liệu tôi có nên thay đổi, có nên khôn lanh hơn không?

Con Đường Giác Ngộ ★ 2 / 4 ★ Path to Enlightenment (Buddhist Film)

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Thư Tình Của Sự Sống - Pháp Nhật



Anh có đọc bức thư tình mà sự sống đã gửi đến cho chúng ta mỗi ngày không? Trong bức thư tình ấy sự sống viết rằng chúng ta là những người có rất nhiều điều kiện để hạnh phúc. Và chúng ta có thể hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây.

Chúng ta có thể hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây?

Đúng vậy. Chúng ta có thể hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây. Sự sống đã nhận được rất nhiều thư gửi tới từ những người khắp nơi trên thế giới. Những bức thư ấy sự sống nhận được dưới nhiều hình thức khác nhau. Có rất nhiều người không còn có khả năng ngắm nhìn vẻ đẹp của hoàng hôn, vẻ đẹp của bình mình và ngay cả khuôn mặt thân yêu của những người đã sinh thành ra họ. Bởi vì họ bị mù bẩm sinh hoặc do tai nạn. Điều mà có thể làm cho họ hạnh phúc nhất, đó là có lại được đôi mắt sáng. Và sự sống đã nói cho chúng ta rằng, chúng ta đã có được hạnh phúc đó, có được hạnh phúc mà rất nhiều người mất đi khả năng nhìn(thị lực) đang mong ước.

Phim Phật Giáo: Con Đường Giác Ngộ

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Mẹ Hiền Của Con - Thầy Pháp Nhật





Mẹ hiền yêu dấu của con

Dãi dầu mưa nắng mỏi mòn đôi vai

Nuôi con ăn học thành tài

Ngày sau khôn lớn tương lai rạng ngời

Mênh mông ơn mẹ ngất trời

Làm sao đền đáp một đời kiên trinh

Vết nhăn khóe mắt ân tình

Vết nhăn trên trán bóng hình hy sinh

Tình mẹ như nắng bình mình

Cho cây nhựa sống chuyển mình vươn cao

Tình thương mẹ đã truyền trao

Cho con tỏa sáng vì sao trên trời

Yêu thương tiếng hát không lời

Yêu thương tình mẹ rạng ngời ánh dương.

Đất mẹ yêu thương

Hành tinh xinh đẹp, trù phú, và tràn đầy sức sống mà ta gọi là Trái Đất đã và đang sản sinh ra mỗi con người chúng ta; trong từng tế bào của ta cũng có luôn cả Trái Đất.
Ta và Đất Mẹ là một
Trái Đất là người Mẹ của ta nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta trong từng giây phút; Đất Mẹ cho chúng ta không khí để thở, nước ngọt để uống, thức ăn và những loại dược thảo để chữa trị mỗi khi chúng ta bị bệnh. Mỗi hơi thở mà chúng ta hít vào chứa đựng khí Nitơ, khí ô-xy, hơi nước và cả những nguyên tố vi lượng khác. Khi mình thở trong chánh niệm, mình có thể trải nghiệm sự tương tức giữa mình với bầu không khí đầy tinh tế, với những loài cây cỏ, và thậm chí cả ánh Mặt trời chiếu ánh sáng màu nhiệm để sự quang hợp có thể diễn ra. Với mỗi hơi thở, chúng ta có thể kết nối; với mỗi hơi thở chúng ta có thể nếm được những điều tuyệt vời của cuộc sống này.
Chúng ta cần phải thay đổi cách ta suy nghĩ và nhìn vạn vật. Chúng ta cần nhận thấy rằng Trái Đất không phải chỉ là một môi trường sống đơn thuần. Trái đất không phải là cái gì đó ở bên ngoài. Hãy thở từng hơi thở chánh niệm và quán tưởng cơ thể của bạn cho sâu sắc, bạn sẽ nhận thấy rằng chính bạn là Trái đất đấy! Bạn sẽ nhận thấy ý thức của mình cũng là cái ý thức của Trái Đất. Vậy hãy nhìn cho kỹ xung quanh, cái bạn thấy không phải là một môi trường sống đơn thuần mà đó chính là bạn.
Đất Mẹ vĩ đại
Cho dù chúng ta thuộc một quốc gia hay nền văn hóa nào, dù cho ta đi theo đạo nào, dù cho ta là một Phật tử, hay người Công giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, hay vô thần đi nữa, chúng ta có thể nhận thấy Trái đất không phải là một cái gì đó vô tri. Mẹ Đất là một dạng sống vĩ đại đã tự mình sinh ra những dạng sống cũng vĩ đại: những vị Bụt và Bồ Tát, những nhà tiên tri và thánh thần, những người con trai và con gái của Chúa trời và cả nhân loại nữa. Đất mẹ là một người Mẹ đầy tình thương, nuôi nấng và bảo vệ tất cả các dân tộc và tất cả những loài chúng sanh mà không có chút kỳ thị, phân biệt nào cả!

Thiền sư Nhất Hạnh: Hành giả bắc nhịp cầu tâm linh Đông - Tây



Tin thầy Thích Nhất Hạnh được nhận giải Pacem in Terri năm 2015[*] – giải Hoà Bình Thế Giới hằng năm phổ biến nhất của Thiên Chúa Giáo toàn cầu – đã trực tiếp hay gián tiếp gởi một thông điệp hòa bình, an lạc, hiệp thông của hai tôn giáo có đông tín đồ nhất ở Việt Nam.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được vinh danh do thành quả “công phu xây dựng được nhịp cầu tâm linh nối liền giữa phương Đông và phương Tây.”

Lịch sử Giải thưởng Hòa Bình Thế Giới của Thiên Chúa giáo trao hàng năm kể từ 1964 do đức Giáo Hoàng John XXIII đề xướng với sự xác định tiêu chuẩn rằng: “Đây là giải thưởng vinh danh các nhân vật tạo được những thành tựu về Hòa Bình, Công Lý không chỉ riêng cho đất nước của họ mà cho toàn thế giới.” ("to honor a person for their achievements in Peace and Justice, not only in their country but in the world).

Đã có sáu trong 42 người đạt giải thưởng Pacem in Terris nhận được giải Nobel Hòa Bình như Martin Luther King, Mẹ Teresa, Desmond Tutu, Lech Walesa… trong những năm qua.

Hai Ngọn Sóng



                            Con Sóng nhỏ nghìn năm ôm buồn tủi..
                            Sao đời mình bé bỏng chẳng bằng ai!
                            Trong thầm lặng sóng đi, về thui thủi
                            ” Kiếp đời ta.. có lẽ.. đã an bài? ”

                            Một sớm nao sóng mơn man tìm đến
                            Miền khơi xa trò chuyện với trùng dương
                            Sao lạ thế, thân anh không bờ bến
                            Phận tôi hoài trong nhỏ nhắn, thê lương?

                            Con sóng lớn xoa đầu cười sóng nhỏ
                            Này, phải chăng vì nghĩ thế em buồn?
                            Em nhìn lại thân chúng mình sẽ rõ
                            Ta và em, hai giọt nước chung nguồn.

                            Trong bản thể mình nào đâu to, nhỏ
                             Không thấp, cao, không giàu, khó, chia phân
                             Em thấy khác vì nhìn trên ”cái vỏ”
                             Rồi vui, buồn rồi biên giới, cách ngăn!

                            Em nhìn kỹ, trong em là ta đó
                            Và trong ta, có cả cuộc đời em.
                            Mình vốn dĩ trong nhau từ muôn thuở
                            Cách xa vì xây đố kỵ, hờn ghen..

                            Con sóng nhỏ cúi đầu cười bẽn lẽn..
                            Bao nỗi niềm sương khói tận trùng khơi .
                            Rồi bất chợt vỡ tan hòa trong biển
                            Hai Sóng từ hôm đó một tên thôi.

                                                                                    Như Nhiên
                                                                                   (Thích Tánh Tuệ)
  Thiền biển- California tháng 4.2015

Thiền Là Gì

17 Lời Dạy Đức Phật - Danh Ngôn Gieo Và Gặt

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Hạnh phúc trong thực tại - thầy Pháp Nhật




Hạnh phúc là gì? Đây dường như là một câu hỏi mà rất nhiều người đang tìm kiếm câu trả lời cho mình. Và dường như mỗi người điều có cách trả lời riêng. Và sống trong cuộc sống này hầu hết ai cũng đang tìm kiếm hạnh phúc, tùy vào ý niệm hạnh phúc của mình mà mình sẽ tìm kiếm hạnh phúc dựa trên những ý niệm hạnh phúc đó. 

Có người cho rằng nếu như họ được thõa mãn những mong ước của mình, thực hiện thành công những kế hoạch, dự định của mình thì họ sẽ có hạnh phúc. Nhưng sự thật là khi họ đạt được tất cả những điều họ mong ước thì họ vẫn chưa cảm thấy rằng mình hạnh phúc. Cái mà họ đạt được chỉ cho họ cảm giác thõa mãn, nhưng rồi cảm giác thõa mãn ấy cũng trôi qua nhanh chóng và thay vào đó là một ý niệm về hạnh phúc khác. 

Có người nói nếu như tôi có một ngôi nhà mới khang trang hơn, tiện nghi hơn thì tôi sẽ hạnh phúc hoặc nếu như tôi đạt được địa vị này bằng cấp kia thì tôi sẽ hạnh phúc hoặc khi tôi trở thành một người giàu có tôi sẽ hạnh phúc… nhưng khi họ có được những thứ họ muốn rồi thì hạnh phúc dường như rất xa vời. hạnh phúc dường như vẫn nằm ngoài tầm tay họ.

 Trong cuộc sống của chúng ta đôi khí chính cái ý niệm về hạnh phúc này đã ngăn chúng ta đạt được hạnh phúc thật sự - những điều tưởng chừng như rất giản đơn đang có mặt xung quanh mình lại là những điều kiện cho ta hạnh phúc. 

 Chú ý, nhận diện và sống sâu sắc với những gì đang diễn ra xung quanh ta và trong ta đó có thể là cánh cửa của hạnh phúc đích thực. bởi vì có những cái dường như rất đỗi bình thường, quen thuộc nhưng một khi ta đánh mất nó rồi thì ta lại thấy nó có giá trị vô cùng và đôi khi ta mong ước nếu như có lại được những điều ấy thì ta sẽ là người hạnh phúc nhất thế gian.

 Đối với người mù thì hạnh phúc lớn nhất của họ là có thể tận hưởng được thiên đường của sắc màu 

Đối với những người bị bệnh suyễn thì hạnh phúc lớn nhất của họ là thưởng thức được không khí mát lành của buổi sáng tinh mơ một cách khỏe khoắn và sảng khoái. 

Đối với người đang bị liệt hai chân không thể đi được thì hạnh phúc lớn nhất của họ chính là được đứng vững chãi và tự mình bước đi từng bước thảnh thơi trên hành tinh xinh đẹp này. 

 Đối với những người có bệnh về tim thì có được một trái tim khỏe mạnh sẽ là một điều gì đó hạnh phúc vô cùng. 

Đối với những người bị câm điếc bẩm sinh thì được nói chuyện và nghe được những giọng nói thân thương của những người thân yêu mình thì đó là hạnh phúc lớn nhất. Và còn rất nhiều, rất nhiều những điều kiện hạnh phúc khác nữa mà ta đang có nhưng ta đã vô tình quên đi, ta cứ mãi mê tìm kiếm hạnh phúc trong những chiếc bóng của quá khứ hay những ý niệm hạnh phúc của ta trong tương lai mà quên mất rất nhiều điện kiện hạnh phúc ta đang có sẵn trong hiện tại. 

 Ta chỉ cần trở về, mỉm cười và nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có thôi thì ta sẽ trở thành một người vô cùng hạnh phúc rồi. và vì vậy hãy luôn nghi nhớ rằng ta đã và đang hạnh phúc ngay trong giây phút này. Ngay giây phút ba và mẹ vẫn còn sống bên ta, ngay giây phút mà tiếng cười và niềm vui đang có mặt, ngay giây phút sự sống đang là.